Các bước cơ bản khi sơn nhà
- Chuẩn bị bề mặt trước khi sơn
Để lớp sơn phủ hoàn thiện đạt được hiệu quả cao, công tác chuẩn bị bề mặt thi công rất quan trọng. Tường được xây tô xong sau 21 ngày mới tiến hành thi công phần sơn, thời gian này được gọi là thời gian bảo dưỡng tường, để cho các tạp chất bị nhiễm khuẩn có trong gạch, đá, hồ vữa tự phân huỷ và cho bề mặt thi công ổn định.
Kiểm tra và tiến hành chống thấm cho tất cả các bề mặt thi công bị thấm nước như bồn bông, họp gen. Nhất là những bề mặt ngoại thất như sàn bê tông, mặt dựng, phải được xử lý thật kỹ từ hai mặt, từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài.
Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu, bụi phấn… hay bất kỳ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn.
Độ ẩm của tường không quá 15%, độ ẩm cao là nguyên nhân chính gây ra sự xuống cấp của màng sơn một cách nhanh chóng như phồng rộp, bong tróc, màu sắc loang lỗ, trong kỹ thuật gọi là hiện tượng cháy kiềm. Trường hợp không có máy đo, nên chờ tường khô từ 3 – 4 tuần kể từ sau khi tô hồ trong điều kiện thời tiết khô ráo.
Bề mặt thi công phải đạt được độ bằng phẳng cần thiết trước khi trét mastic. Lớp trét mastic dày quá 3mm sẽ dẫn đến hiện tượng nứt, bong tróc và làm biến dạng màu sơn.
2 . Các bước sơn nhà
– Khi tiến hành sơn một căn phòng, bạn nên theo thứ tự sau: Bắt đầu sơn từ ngoài nhà trước rồi mới sơn dần vào trong, ưu tiên sơn từ trên xuống dưới, sơn khu vực khó thi công trước rồi mới sơn khu vực dễ làm sau.
Bước 1: Bã matit làm phẳng bề mặt:
Lựa chọn bột trét dựa vào tiêu chí về độ bám dính, bột trét chất lượng thấp ảnh hưởng đến độ bền, tiến độ thi công và chi phí cả dự án sơn nhà. Có thể bã một lớp hay 2 lớp tùy thuộc vào lựa chọn gia chủ.
Để sử dụng bột trét một cách hiệu quả: Trộn bột/nước theo tỷ lệ phù hợp (3/1); Dùng máy khuấy đều đến khi bột đạt trạng thái dẻo đồng nhất; Trét 1 – 2 lớp, mỗi lớp cách nhau 2 – 4h; Chờ 4 – 6h, sau đó tiến hành xả nhám (Nếu sử dụng bột thùng thì nên xả nhám ngay sau khi trét một thời gian ngắn, khoảng 1 – 2h); Sau khi xả nhám, chờ 1 – 2 ngày cho bề mặt bột cứng lại rồi mới tiến hành vệ sinh và sơn lót; Sau khi đã trộn, bột có thể sử dụng trong khoảng 1 – 2h. Quá thời gian này bột sẽ bị khô và cứng lại không thi công được nữa.
Bước 2: Thi công sơn lót:
Sơn lót có tác dụng ngăn ẩm, ngăn kiềm, chống thẩm thấu. Gia chủ cũng có thể lựa chọn sơn lót 1 hay 2 lớp tùy thích.
Mọi loại sơn đều cần sử dụng sơn lót vì lớp sơn lót sẽ tăng khả năng chống kiềm (có trong vôi, xi măng…) và tăng cường khả năng chống thấm cho bề mặt tường.
Mặc dù việc không sử dụng lớp sơn lót thường ít gây tác tại ngay trong quá trình thi công nhưng về lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ cũng như thẩm mỹ của lớp sơn phủ: Lớp phủ màu không đều, tốn nhiều sơn phủ hơn, dễ bị sự cố kiềm hoá loang lổ…
Nếu bạn không sử dụng sơn lót, bạn sẽ phải dùng nhiều sơn phủ hơn vì sơn phủ sẽ bị hút vào lớp bột trét nhiều hơn, bằng chứng là màu sơn sau khi hoàn thiện có thể đậm màu hơn so với bức tường có dùng sơn lót. Trong khi đó giá thành sản phẩm sơn lót lại rẻ hơn sơn phủ nên hệ thống có sử dụng sơn lót bao giờ cũng kinh tế hơn.
Không nên dùng sơn phủ trắng bình thường để thay cho sơn lót vì lớp sơn này không có các tính năng của sơn lót như khả năng chống thấm, chống kiềm, tạo độ bám dính cao và tạo sự nhẵn mịn cho bề mặt; nên có thể sẽ dẫn tới tình huống màu sơn bị loang lổ, bị bong tróc hay bề mặt sơn không phẳng đẹp.
Bước 3: Thi công sơn phủ: Tác dụng bảo vệ và trang trí.
Nếu chỉ sơn 1 lớp thì hầu như không thể đảm bảo về mặt thẩm mỹ. Sơn không đều màu và không che lấp được lớp nền. Nếu sơn 1 lớp thật dày để che lớp nền thì mặt sơn sẽ không đẹp (và không bền) so với sơn 2 lớp mỏng hơn
- Dặm vá và sơn lại: Khi tiến hành dặm vá cần lưu ý các điểm sau:
Kiểm tra đúng mã số mà màu sơn (rất dễ nhầm màu nếu chỉ nhìn màu trên tường rồi mua sơn để dặm vá lại).
Lăn sơn đều và nhẹ tay, tán đều sơn ra những vùng xung quanh miếng dặm vá.
Lưu ý rằng cho dù dặm vá kỹ thế nào đi nữa thì vết dặm vá vẫn có một chút khác biệt nhỏ so với mảng tường còn lại. Sự khác biệt này dễ thấy nhất khi nhìn nghiêng hoặc dưới ánh đèn. Lý do vì vị trí xung quanh chỗ dặm vá, số lớp sơn là 3 – 4 lớp so với 2 lớp ở những chỗ còn lại và độ dày của 4 lớp sơn khác với độ dày của 2 lớp sơn, dẫn đến sự khác độ bóng cũng như khác màu với khu vực không dặm vá
Tuyệt đối tránh dặm vá với các loại sơn bóng vì sơn bóng sẽ rất dễ lộ vết dặm vá.
Để thi công tối ưu, chỉ nên sơn công trình với 1 lớp phủ. Sau khi hoàn tất việc lắp đèn, điện, cửa… hay dặm vá những chỗ tường hỏng do khuân vác đồ nặng thì mới tiến hành sơn nước thứ 2 để hoàn thiện cho toàn bộ công trình.
Thông thường khi sơn lại nhà sẽ không cần trét lại bột. Tuy nhiên nếu có một số vị trí tường cũ không bằng phẳng hay bị nứt lớn thì có thể phải trét dặm để lấy lại bề mặt phẳng.
Những vị trí tường mà lớp sơn cũ bị bong tróc hay bị ngấm ẩm thì phải xả bỏ lớp bột cũ, để khô tường rồi làm vệ sinh bề mặt và trét lại bột.